Tiểu sử Lê Văn Phú (quan nhà Nguyễn)

Lê Văn Phú là người ở huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế).

Khi chúa Nguyễn Phúc Ánh mang quân chủ lực vượt biển ra đánh chiếm Phú Xuân năm 1801, Lê Văn Phú xin theo [1], được sung vào đội Thượng Trà.

Năm 1813 dưới triều Gia Long (tức Nguyễn Phúc Ánh), ông được thăng làm Chánh đội trưởng suất đội đội Thị Trà.

Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), thăng ông lên Cai đội, rồi lần lượt trải đến chức Vệ úy, Chưởng vệ.

Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), thăng ông làm Thống chế doanh Thần Cơ, được dự vào đình nghị.

Tháng 2 (âm lịch) năm 1942, sung ông làm Tham tán đại thần, lãnh quyền Tổng đốc Định Biên (tức Gia ĐịnhBiên Hòa), đem binh thuyền vào Gia Định. Sang tháng 4 (âm lịch), ông hội quân với Tổng thống Lê Văn Đức đi đánh quân Xiêm và quân nổi dậy ở núi Tượng (nay thuộc Tri Tôn, An Giang). Thua trận, đối phương bỏ chạy, hai ông mang quân truy đuổi đến tận biên giới của Hà Tiên, rồi mới về lại An Giang. Việc báo lên, nhà vua thưởng Lê Văn Phú một quân công kỷ lục.

Năm 1845, cử ông làm Đề đốc Gia Định, nhưng chưa bao lâu, lại cho ông làm Tổng đốc Định Biên, rồi làm Tổng thống tiểu bộ quân vụ đại thần để hiệp cùng các tướng mang quân sang Trấn Tây (Chân Lạp). Đến tháng 6 (âm lịch) năm này, thành Nam Vang thất thủ trước sự tấn công của quân Việt, người Chân Lạp về hàng kể hơn 23.000 người...[2]. Xét công các tướng, ông được nhà vua thưởng cho một cấp trác dị (có nghĩa là "tài năng cao, khác thường"), và phong tước Vĩnh Trung nam. Sau đó, Lê Văn Phú nhận lệnh trở về Huế. Tại triều, nhà vua tự tay rót rượu mời ông, và ban cho chén ngọc và tượng ngựa bằng vàng.

Năm 1847, gặp kỳ đại kế [3], thăng ông làm Thủy sư Đô thống ở Kinh đô Huế. Tháng 7 (âm lịch) cùng năm, 12 khẩu súng đồng ghi công bình định Trấn Tây (Chân Lạp) đã được đúc xong, tên ông được khắc ở cỗ súng "Thần uy phục viễn", và trên bia đá dựng ở Vũ Miếu [4]

Tự Đức năm thứ 1 (1848), đổi Lê Văn Phú làm Tổng đốc Hà Ninh (tức Hà NộiNinh Bình), rồi thăng làm Tả quân Đô thống phủ Đô thống.

Năm 1851, đổi ông làm Tổng đốc An Tĩnh (tức Nghệ AnHà Tĩnh). Năm 1853, lại đổi ông làm Tổng đốc Định Biên (tức Gia ĐịnhBiên Hòa), nhưng chỉ được một năm thì mất (1854).

Thương tiếc, nhà vua ban vải lụa, một ngàn quan tiền cho gia đình ông, và cho thờ ông ở đền Hiền Lương tại Huế.